Đăng ký | Đăng nhập

Hãy nhập email và tên của bạn để bắt đầu

Email

Tên của bạn

Dia Nam Corp


Tên đăng nhập


Mật khẩu

Quên mật khẩu

Đặt quảng cáo :0123456789
Dian Nam Slogan

CÁC HÌNH THỨC GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

Đăng : 02/04/2016 10:14 AM

CÁC HÌNH THỨC GÓP VỐN VÀ THỦ TỤC GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

1.      Các hình thức góp vốn vào Doanh nghiệp

Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”.

Có thể thấy, quy định này mở ra một khoảng rộng cho các bên tự do thỏa thuận xác định những loại tài sản khác được góp vốn… Các bên cùng nhau tham gia thành lập công ty có thể góp vốn dưới các hình thức: góp bằng tài sản, góp bằng tri thức hoặc hoạt động hay công việc.

a. Góp vốn bằng tài sản.

Về nguyên tắc, mọi tài sản có thể đem góp làm vốn của công ty, như góp vốn tiền mặt, góp vốn bằng hiện vật hay góp vốn bằng quyền. Để có thể góp vốn vào công ty, các loại tài sản này phải đáp ứng đủ điều kiện là có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự một cách hợp pháp, bởi bản thân góp vốn đã là một hành vi chuyển giao tài sản, do đó phải tuân thủ những quy tắc chung có liên quan đến việc chuyển giao tài sản. Trong đó:

Tiền mặt có thể được góp dưới dạng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Hiện vật có thể được góp dưới dạng bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Trong các loại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, vàng là loại tài sản thường được sử dụng nhiều nhất.

Việc góp vốn bằng quyền được thể hiện dưới một số dạng như: quyền sở hữu trí tuệ, quyền hưởng dụng hay sản nghiệp thương mại. Trong đó:

+ Quyền sở hữu theo Luật sở hữu trí tuệ bao gồm quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh...), quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng...;

+ Quyền hưởng dụng, khác với góp vốn bằng tài sản, người ta có thể góp vốn bằng quyền hưởng dụng tài sản. Theo đó, người góp vốn vào công ty chỉ cho công ty được quyền dùng vật và thu lợi từ đó, công ty không có quyền định đoạt đối với số phận của vật. Hình thức này có những đặc điểm giống với cho thuê tài sản.

+ Sản nghiệp thương mại bao gồm cả yếu tố hữu hình (như hệ thống cửa hàng, hàng hóa, máy móc, xe cộ cũng như các vật dụng khác) và yếu tố vô hình (như mạng lưới khách hàng, mạng lưới cung ứng dịch vụ, thương hiệu...)

Các hình thức góp vốn vào doanh nghiệp

b. Góp vốn bằng tri thức.

Góp vốn bằng tri thức có thể được hiểu là góp vốn bằng chính khả năng của cá nhân như khả năng nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chế tác, tổ chức sản xuất, kinh doanh, các phản ứng nhạy bén với thị trường...

Người góp vốn bằng tri thức phải đảm bảo rằng mang tri thức của mình ra phục vụ một cách mẫn cán và trung thực cho lợi ích của công ty, hay còn gọi là cho trái chủ là công ty do chính người đó cam kết lập ra. Tuy nhiên việc góp vốn bằng tri thức sẽ mang lại khó khăn trên nhiều phương diện như: tính trị giá phần vốn góp để chia sẻ quyền lợi công ty, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ của người góp vốn. Sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác với nhau có lẽ là một yêu cầu có tính thiết yếu trong nền kinh tế hậu công nghiệp và kinh tế tri thức như hiện nay.

c. Góp vốn bằng hoạt động hay công việc.

Việc góp vốn bằng hoạt động hay công việc là việc cam kết thực hiện những hành vi cụ thể có thể trị giá được bằng tiền. Ví dụ như người thợ gốm lành nghề có thể dùng khả năng và công sức của mình làm vốn góp ban đầu vào công ty, hay như một ca sĩ có thể dùng hành động biểu diễn ca nhạc để thu lợi về cho công ty và qua đó hưởng lợi nhuận.

Cũng giống với việc góp vốn bằng tri thức, việc góp vốn bằng sức lao động khiến người góp vốn bị tràng buộc vào nghĩa vụ mẫn cán và trung thực.

 

2.      Định giá tài sản góp vốn

Theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Trong trường hợp góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, tài sản góp vốn phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.  

Trong trường hợp góp vốn khi công ty đang hoạt động, tài sản góp vốn do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận. Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3.      Thủ tục góp vốn

Bước 1. Thỏa thuận về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp

Tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, nếu không thuộc đối tượng quy định tại Điều 13 của Luật Doanh nghiệp đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại doanh nghiệp theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp. Trước khi góp vốn thành lập doanh nghiệp, các bên cần đàm phán với nhau về cách thức góp vốn, tài sản góp vốn, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh và quyền lợi thụ hưởng của mỗi bên. Việc thỏa thuận này tốt hơn nên lập thành văn bản, ví dụ hợp đồng hợp tác kinh doanh... để tránh tranh chấp về sau.

Bước 2. Định giá tài sản góp vốn (Đọc thêm mục 2 để hiểu chi tiết)

Tất cả các thành viên sáng lập có quyền tự định giá, định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc theo một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan nhà nước hoặc công chứng.

Khi có thành viên mới góp vốn hoặc khi có yêu cầu định giá lại tài sản góp vốn, người định giá phải là Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị.

Nếu định giá cao hơn so với giá thực tế tại thời điểm góp vốn, người góp vốn và người định giá phải góp đủ số vốn như đã được định giá. Nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Bước 3. Góp vốn vào doanh nghiệp

Trường hợp góp vốn bằng tiền mặt, các bên rót trực tiếp vốn đầu tư vào quỹ vốn điều lệ của doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác thì cần lưu ý quy định của Thông tư 09/2015/TT-BTC, theo đó:

Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản

Bước 4. Cấp giấy chứng nhận góp vốn

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: sau khi góp đủ vốn của mình vào công ty, thành viên được công ty cấp Giấy Chứng nhận phần vốn góp. Nếu bị mất, bị rách, cháy, hoặc bị thiêu hủy dưới bất kỳ hình thức nào thì thành viên được cấp lại Giấy chứng nhận phần vốn góp và phải trả chi phí do công ty quy định.

Đối với công ty Cổ phần: sau khi góp đủ vốn của mình vào công ty, công ty cấp cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông. Cổ phiếu có thể cấp dưới dạng Chứng chỉ do công ty phát hành hoặc bút toán xác nhận quyền sở hữu một số cổ phần của công ty. Cổ phiếu phải đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần để xác lập quyền và nghĩa vụ cổ đông.

Nguồn: http://saovietlaw.com/

 

Dịch vụ đại lý thuế Địa Nam


Bài viết khác

.

    ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG



        Liên hệ công ty

    ĐẠI LÝ THUẾ ĐỊA NAM – CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI ĐỊA NAM

    Trụ sở: Số 525B Lạc Long Quân - Phường Xuân La - Quận Tây Hồ - TP. Hà Nội

    TỔNG ĐÀI TƯ VẤN: 1900 6243

    Điện thoại: 0243 787 8282/ (84-024) 3787 8822

    Email: info@dianam.vn - hotro@dianam.vn

    Giấy chứng nhận ĐKKD số: 0101592377 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp

    Giấy xác nhận về việc đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế số: 50936/XN-CT-HTr ngày 20/12/2013

    Bản quyền thuộc Công ty cổ phần thương mại Địa Nam © 2015

    Yêu cầu ghi rõ nguồn "thue.dianam.vn" khi xuất bản tin tức từ trang web.

     

    DMCA.com Protection Status
    Đặt quảng cáo :0123456789