Đăng ký | Đăng nhập

Hãy nhập email và tên của bạn để bắt đầu

Email

Tên của bạn

Dia Nam Corp


Tên đăng nhập


Mật khẩu

Quên mật khẩu

Đặt quảng cáo :0123456789
Dian Nam Slogan

KHỞI TỐ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI KINH DOANH KHÔNG ĐĂNG KÝ VÀ CẢNH BÁO

Đăng : 21/04/2016 11:29 AM

GÓC NHÌN XUNG QUANH VỤ ÁN CHỦ QUÁN CÀ PHÊ BỊ TRUY CỨU TỘI KINH DOANH TRÁI PHÉP – TRÁNH RỦI RO KINH DOANH VÀ “HÌNH SỰ HÓA”

Những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao xung quanh hàng loạt bài báo phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn - một chủ quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh bị khởi tố hình sự và sắp đưa ra xét xử về tội “Kinh doanh trái phép”.

Trước vụ án này, dư luận, đặc biệt là những người đang kinh doanh nhỏ lẻ không thể không khỏi giật mình và đặt ra câu hỏi là liệu công việc mà mình đã và đang thực hiện từ trước tới nay có nguy cơ bị xử lý hình sự (?) Và với các nhà quản lý thì cũng phải nhìn lại bởi với thực tế hiện nay ở nước ta, khi mà tình trạng bán hàng hóa tràn lan trên lòng lề đường, hay những hộ kinh doanh nhỏ lẻ theo kiểu gia đình… là hết sức phổ biến nhưng hầu hết đều không có đăng ký kinh doanh, vậy phải xử lý họ ra sao (?)

Để giải đáp những thắc mắc trên. Trước tiên, chúng ta cần hiểu quy định pháp luật về tội kinh doanh trái phép (?)

 

Về vụ việc này, luật sư Hoàng Tuấn Anh – Công ty Luật TNHH Sao Việt bày tỏ quan điểm:

“Tội kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo điều luật này thì:

·     Kinh doanh trái phép là các hành vi: kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

·     Người có một trong các hành vi nêu trên và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ cấu thành tội phạm và bị xử lý hình sự theo khung hình phạt cơ bản quy định tại khoản 1 Điều này (là phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm): a. Chủ thể vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong một số các tội khác được điều luật liệt kê (như Tội buôn lậu - điều 153, Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới – Điều 154, Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm – Điều 155…), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; b. Hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

Ngoài ra, Điều luật còn quy định mức phạt tù từ ba tháng đến hai năm cho trường hợp phạm tội thuộc khoản 2 Điều này khi thuộc một trong số các trường hợp tăng nặng: a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; b) Mạo nhận một tổ chức không có thật; c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; d) Thu lợi bất chính lớn.

Người phạm tội ngày còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

Liên quan đến vụ án nêu trên, có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Văn Tấn chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh không có giấy phép kinh doanh một lần duy nhất, sau khi bị xử phạt ông Tấn đã làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên không được coi là tái phạm. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Thế nào được coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép” (?)

Trao đổi cụ thể hơn về những vi phạm như thế nào có thể bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép, luật sư Hoàng Tuấn Anh cho biết:

“- Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh là trường hợp kinh doanh không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoặc người kinh doanh không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định. Luật doanh nghiệp quy định bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp. Còn đối với hộ kinh doanh thì việc đăng ký kinh doanh được thực hiện theo Chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người, một hộ gia đình làm chủ và sử dụng dưới mười lao động phải đăng ký kinh doanh. Các trường hợp như hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, và các trường hợp kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ như những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp (mức thu nhập thấp được từng địa phương quy định áp dụng trên địa bàn mình) thì không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi sai phạm thuộc nhóm này được áp dụng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP (trước ngày 05/01/2016 - thời điểm Nghị định 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì các hành vi đó bị xử lý theo Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

- Thế nào là kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký? Hiện nay, theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP thì kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký là những hành vi như hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trước ngày 05/01/2016 (thời điểm Nghị định 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), ngoài các hành vi trên, việc kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng bị xử lý về hành vi kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký – theo quy định tại Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

- Kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép là gì? Theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì, ở Việt Nam hiện nay, khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (như: thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác, rượu các loại, dịch vụ karaoke, vũ trường…), thương nhân kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện (như: xăng, dầu các loại, thực phẩm thuộc Danh mục thực phẩm có nguy cơ cao…) thì Thương nhân kinh doanh phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Chủ thể không có giấy phép nhưng vẫn tiến hành kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ đặc thù như vậy thì chủ thể kinh doanh đó sẽ bị coi là kinh doanh trái phép. Việc xử lý đối với hành vi này được quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP và khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP”.

Kính thưa Quý bạn đọc!

Chúng tôi không trực tiếp tiếp xúc với hồ sơ vụ án trên, mặt khác đến thời điểm hiện tại cũng chưa có bất cứ kết luận chính thức nào của cơ quan chức năng về những sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng được báo chí phản ánh. Cho nên, trong khuôn khổ bài viết này, Chúng tôi xin không đưa ra nhận định cụ thể về tính đúng - sai trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Với bài viết này, Chúng tôi hi vọng đã cung cấp các thông tin hữu ích, từ đó góp phần giúp cho các chủ thể kinh doanh ổn định tâm lý, tránh được các rủi ro trong kinh doanh; góp phần để các cơ quan tiến hành tố tụng tránh việc “hình sự hóa” các hành vi hành chính, từ đó tránh oan sai cho người dân cũng như ảnh hưởng đến chính sách tự do kinh doanh của Nhà nước.


Bài viết khác

.

    ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG



        Liên hệ công ty

    ĐẠI LÝ THUẾ ĐỊA NAM – CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI ĐỊA NAM

    Trụ sở: Số 525B Lạc Long Quân - Phường Xuân La - Quận Tây Hồ - TP. Hà Nội

    TỔNG ĐÀI TƯ VẤN: 1900 6243

    Điện thoại: 0243 787 8282/ (84-024) 3787 8822

    Email: info@dianam.vn - hotro@dianam.vn

    Giấy chứng nhận ĐKKD số: 0101592377 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp

    Giấy xác nhận về việc đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế số: 50936/XN-CT-HTr ngày 20/12/2013

    Bản quyền thuộc Công ty cổ phần thương mại Địa Nam © 2015

    Yêu cầu ghi rõ nguồn "thue.dianam.vn" khi xuất bản tin tức từ trang web.

     

    DMCA.com Protection Status
    Đặt quảng cáo :0123456789